Tỉnh thức là gì? Sống tỉnh thức có lợi ích gì?
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Tỉnh thức là dùng sự tỉnh táo để tập trung vào một đối tượng duy nhất, còn được gọi là sự thức tỉnh tâm lý. Tỉnh thức chánh niệm là một trong những pháp đặc biệt quan trọng với người tu tập Phật giáo. Pháp môn tỉnh thức chánh niệm được dùng trong tu tập tứ niệm xứ để xả tâm phần vi tế trong thiền định.
Tỉnh thức là gì?
Tỉnh thức, tiếng anh là Spiritual Awakening, nghĩa là thức tỉnh tâm linh, là bước đánh dấu sự khởi đầu của bạn trên con đường tâm linh. Sự thức tỉnh tâm linh có thể phá vỡ kết cấu thực tế mà bạn biết, đưa bạn đến với những nhận thức mới, cuộc sống mới với sự phát triển và thay đổi về ý thức. Tỉnh thức là sẽ giúp chúng ta nhận thức sâu hơn về thế giới tinh thần và vạn vật xung quanh. Là quá trình chuyển đổi nhận thức của cá nhân và sự thay đổi trong thế gian quan của họ.
Thuật ngữ Tỉnh Thức không được tìm thấy trong các kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên, trong “Kinh Sa Môn Quả” thuộc Trường Bộ Kinh có từ Tỉnh Giác. Trong Kinh có đề cập rằng:
Đại vương, thế nào là Tỳ-kheo chánh niệm tỉnh giác? Đại vương, ở đây, Tỳ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều là tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều là tỉnh giác. Như vậy, này Đại vương, Tỳ-kheo chánh niệm tỉnh giác.
Tỉnh thức là trạng thái đầu óc tỉnh táo, không hôn trầm, là khi một người có nhận thức sâu sắc về thế giới quan cũng như trạng thái tinh thần cá nhân. Quá trình tỉnh thức giúp một người có nhiều chuyển biến trong khuôn khổ tinh thần. Sự tỉnh thức có thể đến từ một cơ duyên hay sau khi trải qua một biến cố lớn nào đó trong đời.
Sống tỉnh thức được hiểu là sống chú tâm, chuyên chú vào hiện tại để nhận diện rõ những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh chúng ta. Từ đó có thể triển khai mọi công việc được suôn sẻ, thuận lợi, đạt hiệu suất cao nhất. Sự thức tỉnh tâm linh tượng trưng cho việc vén bức màn vô minh, trong tiếng Phạn là avidya, nghĩa là sự hiểu biết sai lầm. Sự hiểu biết sai lầm này che đậy bản chất thực sự của bạn, làm nhiễu loạn tâm trí và hành vi của bạn.
Người sống tỉnh thức sẽ luôn quan sát tâm thức của bản thân, theo dõi sự vận hành và phản ứng tâm thức với các tác động bên ngoài. Nhờ vậy mà tâm lý chúng ta trở nên vững vàng, bình yên và sáng suốt hơn. Lối sống tỉnh thức có được thông qua quá trình rèn luyện, thực hành tỉnh thức là cách để chúng ta hiểu rõ bản thân chính mình, từ đó không phạm phải những lỗi lầm và sai sót.
Sống tỉnh thức có lợi ích gì?
Sống tỉnh thức là duy trì ý thức trong công việc của mình, đặt hoàn toàn sự chú tâm vào những phút giây hiện tại, không bận bịu với quá khứ cũng chẳng viển vông với những ước mơ tương lai xa vời. Thực hành tỉnh thức, rèn luyện từng bước một mỗi ngày sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bản thân mình, tạo được thói quen kiểm soát tâm thức và chú tâm hơn trong những việc đang làm hằng ngày.
Thức tỉnh tâm linh là sự tiến hóa của ý thức, tạo ra một lực kéo, hướng tới sự phát triển, biến đổi và thay đổi. Những lợi ích của việc sống tỉnh thức mỗi ngày có thể kể đến như:
1.Tạo niềm vui, nguồn năng lượng sống tích cực
Sống tỉnh thức giúp chúng ta nhận được trọn vẹn những lợi ích thiết thực của nếp sống này mang lại. Chúng ta tỉnh thức trong từng động niệm, từng hành vi, cử chỉ, lời nói. Theo như trong Kinh mô tả thì “khi đi tới, đi lui, đều tỉnh thức, khi co tay, duỗi tay, đều tỉnh thức…”
Việc duy trì và tăng trưởng trạng thái tỉnh thức sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống. Trong một xã hội hiện đại, con người sống nhanh, sống vội, bị cuốn vào vòng xoáy vật chất, giữa bộn bề lo toan, tất bật của cuộc sống. Không ít người cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng, không có được cảm giác an vui, hạnh phúc.
Sống tỉnh thức giúp chúng ta thưởng thức những giây phút thư giãn trong trạng thái trầm tĩnh và minh mẫn. Tập sống tỉnh thức sẽ giúp chúng ta biết tập trung vào những điều cần thiết, buông bỏ những phiền não, ràng buộc siết chặt tâm trí. Từ đó, có được nguồn năng lượng tích cực, không lãng phí thời gian, tâm sức vào những vấn đề không liên quan.
2. Kiểm soát và điều chỉnh tâm thức, trạng thái năng lượng của bản thân
Tỉnh thức là trạng thái mà chúng ta nhận thức sâu sắc về tâm trí của bản thân, có thể quán xét tâm thức, luôn quan sát dòng tâm thức đang vận hành cũng như phản ứng của tâm với các tác động từ bên ngoài. Thực hành tỉnh thức giúp tâm trí trở nên tĩnh lặng và sáng suốt, từ đó có năng lực kiểm soát và điều chỉnh tâm thức của bản thân.
Khi thức tỉnh tâm linh, chúng ta có thể kiểm soát và trấn áp những tâm ý xấu, không trong sáng khi chúng còn ở dạng tiềm tàng trong tâm lý. Ngăn ngừa nó kịp thời trước khi bộc lộ ra lời nói, hành vi, gây ra những lỗi lầm, hậu quả đáng tiếc, không thể khắc phục được.
3. Tăng khả năng tập trung
Rèn luyện, luyện tập tỉnh thức cũng là luyện tập khả năng tập trung. Dùng sự tỉnh táo để chú tâm vào một việc duy nhất, từ đỏ có thể loại bỏ được những tạp niệm xung quanh, tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Khi phát hiện tạp niệm, chúng ta sẽ nhanh chóng loại bỏ, kéo tâm thức trở lại thực tại. Từ đó giúp nâng cao khả năng tập trung, xả được hỷ tưởng, mộng tưởng.
4. Cải thiện sức khỏe, trạng thái tinh thần
Sống tỉnh thức sẽ mang đến những tác động tích cực đến cuộc sống cá nhân và công việc của mỗi người. Việc sống với tâm trí nhẹ nhàng và thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta cảm nhận được những điều tốt đẹp, tươi vui, không bị đè nén bởi áp lực, sự căng thẳng, mệt mỏi.
Sự an trú của tâm, sự thanh tỉnh, minh mẫn, an nhiên sẽ giúp chúng ta đạt được trạng thái tinh thần tốt. Loại bỏ đi những cảm xúc tiêu cực, đạt được trạng thái cân bằng ở thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và cải thiện sức khỏe cho người thực hành.
5. Tăng khả năng sáng tạo, năng lực làm việc
Sống tỉnh thức là tập trung chú ý vào công việc mình đang làm, từ đó nhận diện rõ điều gì đang xảy ra. Điều này giúp chúng ta tập trung tâm trí năng lượng trọn vẹn cho công việc, không bị phân tâm, xao nhãng. Vừa giúp hoàn thành công việc một cách chỉn chu, hạn chế tối thiểu sai lầm, vừa giúp tiết kiệm được thời gian và sức lực.
Khi căng thẳng, lo âu, hãy tạm dừng công việc, chú tâm vào cảm xúc và ý tưởng, thiết lập lại trạng thái cân bằng cho bản thân. Quá trình thực hành tỉnh thức mỗi ngày sẽ tạo cho chúng ta thói quen kiểm soát suy nghĩ của chính mình. Sống tỉnh thức sẽ giúp phát huy năng lực của mỗi người một cách tốt nhất.
6. Tác dụng khác
Thực hành tỉnh thức cũng mang đến những lợi ích như:
- Cải thiện chứng rối loạn lo âu và trầm cảm
- Cải thiện chức năng của cơ quan tiêu hóa
- Phòng ngừa bệnh tim mạch, đường huyết…
Pháp môn tỉnh giác chánh niệm và tỉnh thức chánh niệm
Được biết, pháp môn tỉnh thức chánh niệm dùng để tu tập tứ niệm xứ, là rèn luyện nội lực thiền định để xả tâm về vi tế. Trong đó, chữ “thức” có nghĩa là tỉnh táo, biết rõ tất cả nhưng không phân biệt pháp nào thiện, pháp não ác. Đồng thời chữ “thức” cũng có nghĩa là tập trung.
Pháp này trong kinh Phật là dùng sức tỉnh táo tập trung vào một đối tượng duy nhất. Để thực hiện “nhiếp tâm” và “an trú tâm” nhằm tạo ra nội lực “tứ thần túc”. Còn pháp tỉnh giác chánh niệm là dùng sự bình tĩnh để quan sát, phân biệt các pháp nào thiện, pháp nào ác. Để tăng trưởng, ngăn chặn, diệt trừ các pháp ác, từ đó giúp xả tâm, để tâm bất động trước các ác pháp, từ đó được thanh thản, an lạc, vô sự.
Có tỉnh thức thì mới có thể sáng suốt sống được chánh niệm, mới ở trong chánh niệm và phá được thùy miên, hôn trầm, vô ký. Có tỉnh thức mới thấy được nhân quả, mới tịnh chỉ ngôn ngữ, mới xa lìa được lòng ham muốn và các ác pháp. Sống tỉnh thức giúp hành giả giữ tứ diệt tầm, tịnh chỉ tầm tứ, xả được 18 loại hỷ tưởng, xả được mộng tưởng, âm thanh hỗn tạp. Có thể điều hòa hơi thở và các hành, tu được Tứ Như Ý Túc.
Tập luyện tâm tỉnh thức có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người tu tập theo đạo Phật. “Tâm mình tham, biết tâm mình tham là tỉnh thức; tâm mình sân, biết tâm mình sân là tỉnh thức; tâm mình phiền não, biết tâm mình phiền não là tỉnh thức; tâm mình khởi niệm ác, biết tâm mình khởi niệm ác là tỉnh thức; tâm mình lo rầu, biết tâm mình lo rầu là tỉnh thức. Đi, mình biết mình đang đi là tỉnh thức. Ăn, biết mình đang ăn là tỉnh thức. Đó là bước đầu mấu chốt sự tu tập giải thoát của đạo Phật.”
Cách thực hành tỉnh thức – chánh niệm
Pháp môn tỉnh giác chánh niệm dùng để tu tập tứ chánh cần, pháp môn tỉnh thức chánh niệm dùng để tu tập tứ niệm xứ. Trong giáo trình của đạo Phật, tập luyện tâm tỉnh thức là vô cùng quan trọng, có được tâm tỉnh thức mới đạt được Niết Bàn cứu cánh giải thoát.
Cách tu tập thực hành tỉnh thức trong đạo Phật
Trong đạo Phật, có nhiều cách tu tập, có thể kể đến như:
Định niệm hơi thở
Ngồi kiết già hoặc bán già, lưng thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau, đặt lên hai bàn chân, hai ngón tay cái chạm vào nhau. Thân yên lặng, ý thức tập trung vào hơi thở, hai mắt tập trung chóp mũi.
Vừa hít vô vừa nhắc tâm tôi biết tôi hít vô, sau đó thở ra và nhắc tâm tôi biết tôi thở ra. Sau 4 hơi thở thì để tâm tự nhiên, không nhắc nữa nhưng vẫn biết mình thở ra và hít vào. thì Mục đích là để ly tham, đoạn diệt và khắc phục tham ưu.
Định Vô Lậu
Là quán xét thân có tham ưu hay không, quán xét cảm thọ của thân và tâm, quát xét tư duy nội tâm xem đang khởi những niệm gì, đang lo sợ, phiền não, hờn giận, ganh ghét, đang tính toán những trò không lành mạnh gì và tìm cách đẩy lui những niệm đó ra khỏi tâm. Mục đích là để xả bỏ những dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.
Định sáng suốt
Là giữ cho tâm bình thường, thanh thản, vô sự, không bần thần lười biếng, không tán loạn, không thùy miên, nửa tỉnh nửa mê. Nếu thùy miên (buồn ngủ), ngủ gục, tỉnh tỉnh mê mê thì nên đi kinh hành, không nên ngồi. Dùng pháp Hướng Tâm thư giãn các cơ trong thân và thư giãn thần kinh.
Khi cảm thấy mệt nhọc, căng thẳng thì nên ngồi nghỉ, hai chân duỗi thẳng dài ra, tay buông lỏng, các cơ trong thân thả lỏng, không được gồng, tinh thần thoải mái, để tự nhiên theo trạng thái của nó, không tập trung hay suy nghĩ gì cả. Hướng đến tâm và nhắc nhở toàn thân an tịnh, tôi biết tôi đang thư giãn.
Sau đó lại hướng tâm rằng các cơ trong thân đang thư giãn, không được gồng, phải nhẹ nhàng, thanh thản, an lạc, vô sự, đầu óc phải tự nhiên, hồn nhiên với vạn pháp.
Một số phương thức tu tập khác
Ngoài ra, để tu tập tỉnh thức, hành giả có thể tham khảo một số phương thức khác như:
- Định sơ thiền ly dục ly ác
- Định chánh niệm tỉnh giác để ngăn diệt ác pháp
- Định diệt tầm giữ tứ để khắc phục tham ưu
- Định diệt tầm diệt tử để giữa tâm yên lặng, bất động, làm chủ sự vô thường
- Định ly hỷ trú xả, định tam thiền…
Cách thực hành chánh niệm tỉnh thức trong đời sống
Chúng ta có thể dựa vào cách thực hành tỉnh thức trong đạo Phật để áp dụng vào đời sống. Một số cách thực hành tỉnh thức trong đời sống có thể kể đến như:
- Thực hành thiền định và định niệm hơi thở
- Quán xét tâm, thân, quán xét cảm nhận của thân và tâm để loại bỏ sự xao nhãng, mất tập trung, khi tâm có chướng ngại khổ đau
- Nếu có phiền não, có thể thực hiện ghi chép những suy nghĩ trong đầu trong 5 – 10 phút mỗi ngày
- Nhận thức suy nghĩ và cảm xúc của bản thân bắt cách đặt câu hỏi và gọi tâm những cảm xúc của mình.
- Ăn trong chánh niệm, tập trung vào bữa ăn, không thực hiện các hoạt động khác như nói chuyện, đọc sách, xem TV, cảm nhận mùi thơm và hình thức, tập trung nhai để cảm nhận mùi vị của món ăn.
Các phương pháp tu tập là để được tỉnh thức, mang đến lợi lạc cho bản thân, không phải là để làm khổ mình, khổ người. Việc tu tập giúp đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, thoát khỏi các khổ ách, đưa đến chứng đắc tri kiến, đến chánh niệm tỉnh giác, đến hiện tại lạc trú, để được chứng ngộ quả minh và thoát. Sự tỉnh thức là một yếu tố quan trọng giúp hành giả làm chủ thân tâm và được thành tựu viên mãn giải thoát.
Xem thêm: Bát Chánh Đạo: 8 con đường chân chính chấm dứt khổ đau