Cách thỉnh và thờ Đức Phật Dược Sư tại nhà đúng nhất
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Theo các giáo lý cổ đại, người thờ tôn tượng Phật Dược Sư, tụng niệm danh hiệu Ngài sẽ được phước báo vô lượng, tiêu trì được tất cả bệnh khổ, tai qua nạn khổ, vượt qua bệnh tật. Để tượng Phật phát huy được tác dụng, thể hiện được lòng tôn kính Tam Bảo thì gia chủ cần nắm được cách thờ Đức Phật Dược Sư tại nhà đúng nhất.
Cách thỉnh Đức Phật Dược Sư
Trong Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh có viết rằng: “Về phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”. Phật Dược sư có làn da xanh màu lưu ly, ngài có 18 vẻ đẹp và 32 tướng tốt, ngồi an tọa trên tòa nguyệt luân hoa sen trong tư thế Kim Cương. Thân Ngài khoác ba tấm y giải thoát, tay phải cầm cây Myrobalan hoặc thân cây Aruna đại diện cho tất cả các thảo dược tốt nhất, tay trái cầm bình bát chứa đầy cam lộ.
Việc thờ cùng, trì tụng danh hiệu Đức Phật Dược Sư có thể giúp chúng ta được như ý, khoẻ mạnh sống lâu, biết được hạnh nguyện của Ngài để phụng hành, kính tin và phần nào đền đáp ơn Ngài. Chúng ta ngày ngày tụng kinh, huân tập tư tưởng của Ngài, tập sống như Ngài sẽ giúp đem lại cuộc sống an vui, chữa được phiền não, nghiệp chướng, báo chướng, cắt được cơn đau thể xác đồng thời giải tỏa được nỗi đau khổ trong tâm hồn. Việc tụng niệm, nhìn hình ảnh Ngài, nhìn thấy Ngài ở trạng thái mộng mơ cũng có tác dụng tăng sức khoẻ và đem lại những lợi ích đáng kể.
Khi thỉnh tượng Phật Dược Sư, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Việc thỉnh tượng Phật về thờ tại gia không nên được thực hiện khi ngẫu hứng, phải xuất phát từ sự thành tâm của gia chủ. Người có tâm hướng Phật, một lòng hướng thiện, muốn thờ Phật thì mới nên thỉnh Phật, không nên lầm tưởng rằng thờ Phật để trừ họa, ban phước, che dấu những điều bất lương.
- Ngày tốt để thỉnh tượng nên là những ngày vía Phật hoặc các ngày như mồng 1, 15 để thỉnh Phật về nhà. Thực tế, trong đạo Phật thường không quan niệm ngày tốt hay ngày xấu, quan trọng hơn hết vẫn là sự thành tâm của quý Phật tử. Tuy nhiên, đa số các Phật tử đều muốn chọn ngày tốt để thỉnh Phật và an vị Phật. Riêng với Đức Phật Dược Sư, ngày vía Phật là ngày 30/9.
- Khi thỉnh tượng Phật về thờ tại gia, tượng cần đảm bảo tỷ lệ thẩm mỹ, bố cục hợp lý, gương mặt Phật trang nghiêm, thần thái thoát tục, từ bi hỷ xả. Lý do là một số trường hợp khi đúc, vẽ tượng Phật sơ suất nên đôi khi tác phẩm làm ra thiếu tính thẩm mỹ, khuôn mặt không cân đối, không mang nét từ bi hỷ xả vốn có của nhà Phật.
- Trước khi thỉnh Phật về nhà, gia chủ nên chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ sao cho đầy đủ chu đáo nhất trước khi rước Phật về an vị. Trong quá trình thỉnh Phật, khi ra khỏi cửa hàng thì gia chủ về thẳng nhà ngay, không dừng ghé lại bất kỳ nơi khác. Về đến nhà thì lập tức thượng an Đức Phật Dược Sư lên bàn thờ, tuyệt đối không đặt ngày lên ghế hoặc bất kỳ nơi khác.
Ngoài ra, trước khi thỉnh tượng Phật về nhà, gia chủ nên gửi vào chùa để làm lễ khai quang điểm nhãn, sau đó tiếp tục làm lễ rước và lễ an vị. Đồng thời, trong những ngày thỉnh tượng cần tụng kinh Phật, trì tụng thập chú và ăn chay để bày tỏ lòng thành. Trước khi thực hiện lễ khai quang điểm nhãn, lễ thỉnh tượng và lễ an vị, gia chủ nên tham khảo ý kiến của thầy phong thuỷ và của các sư thầy để các nghi lễ được thực hiện đúng cách.
Bàn thờ Phật trong lễ an vị cần có 3 bát cơm trắng, 3 chén nước trong, đèn, hương, hoa, quả, cành hoa nhỏ và 1 ly nước lọc. Nếu có bàn thờ gia tiên thì trên bàn thờ gia cần có mâm cơm chay, đèn, hoa, quả. Sau khi đã bày biện mâm cỗ cúng, gia chủ cần đứng trước bàn thờ Phật và đọc sớ an vị hoặc bài khấn an vị Phật tại gia.
Vị trí đặt tượng Phật Dược Sư
Phật Dược Sư ít khi thờ độc tôn mà thường được thờ cùng các vị chư Phật và Bồ tát khác. Các bộ tôn tượng phổ biến thường gặp là Tam Thế Phật, Dược Sư Tam Tôn, Thất Phật Dược Sư. Khi thờ tượng Phật Dược Sư cùng các vị chư Phật và Bồ tát, gia chủ cần lưu ý đến vị trí đặt tượng Phật sao cho phù hợp.
Một số vị trí đặt tượng Phật khi thờ Đức Phật Dược Sư tại nhà có thể kể đến như:
- Đông Phương Tam Thánh Phật: Gồm Đức Phật Dược Sư ở vị trí trung tâm, bên trái của Phật Dược Sư là Nhật Quang Bồ tát, tay cầm mặt trời tượng trưng cho ánh sáng có thể phá nát sự tăm tối của sinh tử; bên phải Ngài là Nguyệt Quang Bồ Tát, tay cầm mặt trăng tượng trưng cho sự mát mẻ trong sáng. Cả ba Ngài được tôn là Dược Sư Tam Tôn hay Đông Phương Tam Thánh. Bộ tôn tượng Đông Phương Tam Thánh có ngụ ý là mặt trời và mặt trăng đều mọc ở hướng Đông, ánh sáng này chiếu sáng khắp chúng sinh, giúp chúng sinh được giải thoát, an vui.
- Tam Thế Phật: Gồm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở vị trí trung tâm, bên trái là Phật A Di Đà và bên phải là Phật Dược Sư. Bộ tôn tượng Tam Thế Phật có Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ thế giới Ta Bà, Phật A Di Đà đại diện cho thế giới Cực Lạc và Phật Dược Sư là tôn chủ của thế giới Tịnh Lưu Ly ở Phương Đông. Tam Thế Phật là tượng trưng cho không gian vô lượng của thế giới chư Phật, cho vô biên vô số quốc độ Phật. Ngoài ra, bộ tôn tượng này còn có ngụ ý biểu thị cho niềm tin với Phật pháp vô biên, trong đó phương Đông là nơi mặt trời mọc, lấy thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư ở phương Đông làm biểu tượng cho sự sinh trưởng, phát triển của vạn vật; còn hướng Tây là thế giới của Phật A Di Đà, là hướng mặt trời mặt, tượng trưng cho sự trở về của vạn vật. Khi ba vị chư Phật cùng đứng một chỗ sẽ bao dung cho tất cả chúng sinh, mang đến tất cả điều an lành.
- Thất Phật Dược Sư: Gồm bảy tôn tượng Phật Dược Sư gần giống nhau, chỉ khác nhau ở ấn thủ. Theo các Kinh điển Phật Giáo, có thuyết cho rằng 7 tượng Dược Sư là ứng thân được phân thân ra từ Đức Dược Sư Như Lai, có thuyết lại cho rằng 7 tượng Dược Sư đại diện cho mỗi một đại nguyện và ứng thân riêng. Thất Phật Dược Sư gồm: Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai; Thiện Danh Xưng Cát Tường Như Lai; Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai; Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai; Pháp Hải Lôi Âm Như Lai; Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai; Thiện Danh Xưng Cát Tường Như Lai.
Cách thờ Đức Phật Dược Sư tại nhà
Đức Phật Dược Sư Như Lai có bổn nguyện trừ tất cả bệnh khổ cho chúng sinh, cứu độ những người còn trong cõi tăm tối si mê, cứu vớt chúng sinh khỏi những bệnh phiền não về tâm và thân đồng thời thoát khỏi sanh tử khổ đau. Thông thường, khi thờ Đức Phật Dược Sư tại nhà, gia chủ cần:
- Đặt bàn thờ Phật ở hướng phù hợp, tốt nhất nên ở vị trí trung tâm ngôi nhà và hướng ra cửa chính, tuyệt đối không hướng về các phía như nhà vệ sinh, nhà bếp, phòng ngủ, cầu thang. Nếu có điều kiện thì nên thờ Phật ở phòng riêng, hướng bàn thờ nhìn ra ban công, không có phòng khác đè lên.
- Nếu thờ Phật ở phòng trọ thì cần đảm bảo sự trang nghiêm cho bàn thờ và không gian thờ cúng, tuyệt đối không thờ tượng Phật trong phòng ngủ vì đây là không gian riêng tư, thờ Phật sẽ là đại bất kính với Tam Bảo
- Nếu đã thờ Phật thì không nên thờ thần thánh khác, nếu nhà có bàn thờ gia tiên thì bàn thờ Phật đặt ở vị trí chính giữa. Còn bàn thờ gia tiên thì đặt ở bên trái hoặc bên phải bàn thờ Phật để các Ngài đi theo Tam Bảo trở thành đệ tử của Đức Phật.
- Tượng Phật chỉ nên được thờ theo tâm nguyện của gia chủ, với mong muốn có thể lĩnh hội được ngọn đèn trí tuệ của Ngài, giúp chúng ta thoát khỏi tham sân hận, một lòng hướng thiện chứ không phải chỉ để ban phước trừ hoạ.
- Vào ngày mùng 1, 15, 30, ngày lễ Phật Đản, ngày vía Phật thì dâng mâm cỗ chay, hoa quả và 3 chén nước sạch, còn những ngày khác thì chỉ cần hoa quả là được. Tuyệt đối không đặt lên bàn thờ Phật tiền âm phủ, vàng mã, bùa chú và đặt biệt là không cúng đồ mặn vì đây là bất kính, đi ngược với giáo lý nhà Phật.
- Hoa quả cúng Phật trừ ổi và măng cụt thì các loại hoa quả khác chỉ cần tươi ngon đều được. Hoa cúng thường là hoa sen và hoa huệ để thể hiện cho sự tu nhân thiện, làm việc lợi lan tỏa hương thơm cho người, cho đời.
- Trước khi lạy Phật, cần chỉnh trang phục cho trang nghiêm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Sau đó đứng chỉnh tề trước bàn thờ, người đứng thẳng, hai chân khép sát, chắp khít tay trước ngực, mắt nhìn tượng, tâm hướng thiện và xá 3 xá và bày tỏ lòng tôn kính với Ngài.
Trên đây là một số thông tin về cách thỉnh và thờ Đức Phật Dược Sư tại nhà mà quý Phật tử có thể tham khảo. Thờ tượng Phật không quá quan trọng về hình thức, chủ yếu là cái tâm và lòng tấm thành kính của chư vị với Tam Bảo.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!