Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Lược sử hình thành và phát triển
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một trong những tôn phái Phật giáo riêng biệt của Việt Nam, được thành lập bởi vua Trần Nhân Tông vào thế kỷ thứ 13. Sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm là minh chứng rõ nét cho sự phát triển, bén rễ của Phật giáo tại Việt Nam, thật sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển.
Sự hình thành của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử là dòng Thiền mang đậm dấu ấn của văn hóa Đại Việt, đỉnh cao là tư tưởng nhập thế, đạo không tách với đời. Chủ trương của dòng thiền này là tích cực nhập thế để phật tử vừa có thể xây dựng đời sống theo đạo lý Thiền Tông, vừa làm tròn trách nhiệm của công dân với đất nước.
Vào đầu thế kỷ XIII, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông dần dần sát nhập thành một, sự sát nhập của ba Thiền phái này được xem là gạch nối giữa Phật giáo đời Lý và Phật giáo đời Trần. Vào tháng 8 năm Kỉ Hợi 1299, vua Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, còn gọi là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, cũng là vị sơ tổ của phái Trúc Lâm.
Theo cuốn Thiền sư Việt Nam, thời kỳ đầu của thiền phái, từ thế kỷ XIII đến gần giữa thế kỷ XIV, nổi bật với 8 vị thiền sư là Thiền sư Thông Thiền, Huệ Trung, Ứng Thuận, Tức Lự, Tiêu Dao, Pháp Hoa, Trúc Lâm, Huyền Quang. Phái thiền Trúc Lâm bắt nguồn từ truyền thống núi Yên Tử nên thường được gọi là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để phân biệt với thiền phái ở các quốc gia khác.
Điều Ngự Giác Hoàng, tức vua Trần Nhân Tông đã thành lập phái thiền với ý định thống nhất Phật giáo Đại Việt. Ngài đã tham vấn thiền từ Tuệ Trung Thượng Sĩ và được đốn ngộ, vì vậy, phái thiền Trúc Lâm chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Yên tử và Thượng sĩ Tuệ Trung. Được biết, núi Yên Tử được thiền sư Huyền Quang khai sơn, mở đầu cho Phật giáo Trúc Lâm. Ba vị tổ đầu tiên của phái thiền Trúc Lâm là Trúc Lâm Đầu Đà, tôn giả Huyền Quang và tôn giả Pháp Loa.
Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, ngài trị vì đất nước 15 năm (1278 – 1293), sau nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, xuất gia tại Ninh Bình, sau tu tại núi Yên Tử, Quảng Ninh và lập Thiền phái trúc Lâm Yên Tử. Ngài được nhân dân cung kính gọi là Phật hoàng, việc lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đã giúp thống nhất toàn bộ giáo hội Phật giáo, phát triển tư tưởng Phật giáo, tổ chức giáo hội, đào tạo tăng ni, phật tử.
Sơ lược quá trình phát triển của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử
Do sử liệu Thiền tông Việt Nam bị thất lạc rất nhiều nên chúng ta chỉ có thể sơ lược về sự hình thành và quá trình phát triển của thiền phái Trúc Lâm. Sự ra đời của thiền phái này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình bản địa hóa Phật giáo, thể hiện rằng Phật giáo chính thức được bén rễ, được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển.
Xét theo dòng truyền Yên Tử thì Hương Vân Đại Đầu Đà thuộc thế hệ thứ sáu của dòng Yên Tử. Ngài đã thống nhất 3 thiền phái Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Thảo Đường thành thiền phái Trúc Lâm. Tuy nhiên, xét sâu xa thì người có công đặt nền móng cho phái thiền này là vua Trần Thái Tông, nhưng người làm rạng danh thiền phái lại là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Là dòng thiền Phật giáo đầu tiên do chính người Việt làm tổ.
Từ đầu thế kỷ XIII đến gần giữa thế kỷ XIV, sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm gắn liền với 8 vị thiền sư là Thông Thiền, ứng Thuận, Tức Lự, Huệ Trung, Tiêu Dao, Trúc Lâm, Pháp Hoa và Huyền Quang. Sau khi tổ Huyền Quang mất vào năm 1334, không thấy tài liệu nói đến thiền phái này.
Đến khoảng thế kỷ XVII, mới có tài liệu nói rằng, ngài Hương Hải (1625 – 1715), một thiền sư ở thời Hậu Lê, được bổ nhiệm làm Tri phủ Triệu Phong (nay thuộc tỉnh Quảng Trị) vào năm 1652. Năm 1655 thì xin từ quan và xin xuất gia với thiền sư Viên Cảnh. Một số tài liệu nói rằng, ngài Hương Hải là một thiền sư thuộc phái thiền Trúc Lâm, đã tạo ra một ảnh hưởng lớn cho thiền phái này.
Vào nửa cuối thế kỷ XVII, có ngài Chân Nguyên Tuệ Hải, vốn đắc pháp ở Tông Lâm Tế nhưng lại là người muốn làm sống lại tinh thần của phái thiền Trúc Lâm. Ngài cũng là tác giả của cuốn Thiền tông bản hạnh, cuốn sách kể về cuộc đời tu hành, ngộ đạo của 5 vị vua Trần. Sau đó, thiền phái Trúc Lâm lại một lần nữa rơi vào giai đoạn trầm lắng.
Tam Tổ Trúc Lâm và tư tưởng chủ đạo
Thiền phái Trúc Lâm là một phái thiền thuộc Thiền Tông. Trong đó, từ Thiền Tông được dùng để chỉ cho pháp môn tu học theo pháp thiền được Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma chỉ dạy.
Tam Tổ Trúc Lâm
Tam Tổ Trúc Lâm gồm ba vị là Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang. Trong đó, Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là bậc sư tổ có đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, còn gọi là Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Ngài xuất gia tại chùa Hoa Yên vào năm 1299 sau khi nhường ngôi, Ngài là người đã đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm.
Hoàng đế – thiền sư – thi sĩ Trần Nhân Tông vốn được sư Huệ Tuệ trao truyền giới pháp. Ngài Huệ Tuệ là tổ thứ 5 của sơn môn Yên Tử, chịu ảnh hưởng của dòng Lâm Tế Trung Hoa, có các vị Thiền sư nổi tiếng như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Vua Trần Thái Tông. Vua Trần Nhân Tông đã khai mở ra một dòng thiền mới tại Việt Nam, trở thành người lãnh đạo giáo hội đầu tiên của Việt Nam.
Vị tổ thứ hai của phái thiền Trúc Lâm là đệ nhị tổ Pháp Loa (Đồng Kiên Cương, 1284 – 1330), là người thông tuệ, am hiểu Thiền học, có tài tổ chức các hoạt động Phật gia. Ngài xuất gia năm 21 tuổi, được vua Trần Nhân Tông chọn để lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm Yên Tử. Sau kế nhiệm, được giao trọng trách đứng đầu giáo hội, Ngài đã có những cải cách đáng kể về mặt tổ chức với nhiều hoạt động Phật sự sôi nổi.
Trong thời gian ngài lãnh đạo, số lượng tăng sĩ và Phật tử tại gia tăng lên đáng kể. Qua 20 năm lãnh đạo, ngài Pháp Loa đã cho san khắc bộ Đại Tạng kinh với hơn 500 quyển, nhiều ngôi chùa được xây dựng, nổi tiếng là các chùa như Thanh Mai, Quỳnh Lâm, Báo Ân với hơn ba nghìn đệ tử đến cầu pháp và đắc pháp.
Vị tổ thứ ba trong ba vị tổ Trúc Lâm là Huyền Quang (Lý Đạo Tái, 1254 – 1334). Ngài Huyền Quang từng làm quan trong triều, sau từ chức đi tu, ngài tu hành muộn, hơn ngài Pháp Loa tròn ba mươi tuổi. Ngài Huyền Quang tên Lý Đạo Tái, người tỉnh Bắc Ninh, là một trong những người kế tục ngắn ngủi của ngài Pháp Loa, xuất gia vào năm 51 tuổi, từng theo học Thiền với vua Trần Nhân Tông. Ngài Huyền Quang được gọi là đệ tam Tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Nếu như ngài Pháp Loa nổi danh với tài lãnh đạo, xây dựng giáo hội thì ngài Huyền Quang là một tác giả văn học lớn của Phật giáo cũng như nền văn học thời Trần. Sự hiện diện của tam tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông – Pháp Loa và Huyền Quang đã đưa phía thiền Trúc Lâm phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những biểu tượng tinh thần của người Việt.
Tinh thần, đặc điểm và tư tưởng của phái thiền Trúc Lâm
Tinh thần chủ trương cũng như tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được tóm gọn như sau:
1. Phật tại tâm, nếu siêng năng, khéo tu thì dù tu ở đâu cũng có thể thành tựu.
2. Nếu được xuất gia tu hành thì rất tốt, nếu chưa thì vẫn có thể vừa tu hành đến chỗ ngộ đạo vừa đảm đương trách nhiệm với đất nước, với thế gian.
3. Phái thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế, sau khi đại ngộ, người đời có thể tự tìm đến, theo đó mà giáo hóa; hoặc có thế xuống đồng bằng lập thiền viện để giáo hóa hoặc đi vào chợ đời, tùy duyên mà giáo hóa. Ở đời các vua Trần, vừa tu hành, vừa làm vua, vừa giáo hóa nhân dân được xem là mức độ nhập thế cao nhất.
Nhìn chung, tư tưởng của phái thiền này là “cư trần lạc đạo”, “tức tâm tức Phật”, khi vua Trần Thái Tông bỏ ngai vàng vào núi tìm đạo, Ngài đã được thức tỉnh rằng “trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm, tâm lặng mà biết thì đó đích thị là Phật“.
Tư tưởng của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử chính là hành đạo giúp đời, mọi giáo pháp đều xuất phát từ khuynh hướng nhập thế, vừa quan trọng việc hoằng dương Phật pháp, vừa đề cao dân tộc. Phái thiền Trúc Lâm phát triển trên nền tảng tư tưởng của Thiền Tông, được phát triển bởi Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông. Thiền phái được đánh giá là có ảnh hưởng đặc biệt đến sự phát triển tư tưởng của dân tộc Việt.
Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử ngày nay
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đến ngày nay vẫn tiếp tục phát triển. Vào cuối thế kỷ XX, sự xuất hiện của Hòa thượng Thanh Từ đã làm sống lại tinh thần của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài là người có tâm huyết khôi phục phái thiền Trúc Lâm, đã thành lập nhiều thiền viện và khóa tu. Năm 2002, Ngài trùng tu Chùa Lân, lập thành thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, năm 2005, dựng lập Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.
Đến năm 2013, thiền sư đã xây dựng trên 60 thiền viện, thiền tự và 100 đạo tràng học Phật tu thiền theo thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, ngài lập 10 thiền viện, thiền tự, 2 thiền viện tại Canada, 1 thiền tự tại Pháp và 5 thiền tự tại Úc.
Đến ngày nay, tinh thần nhập thế của thiền phái Trúc Lâm vẫn tiếp tục được phát huy bởi các đệ tử sau này. Không chỉ nhập thể cùng dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước mà còn tạo ra bản sắc riêng, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, văn hóa xã hội của đất nước.
Hiện nay, trên cả nước có khoảng hơn 58 Thiền viện theo hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong đó, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là một trong những đại diện tiêu biểu cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại Tây Nam Bộ. Một số Thiền viện Trúc Lâm nổi tiếng khác có thể kể đến như:
- Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử hay còn gọi là Chùa Lân ở xã Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh
- Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thuộc xã Lộc Hòa, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế
- Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm thuộc xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh
- Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng xã Nham Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang
- Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
- Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác thuộc xã Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang
- Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, cách trung tâm Đà Lạt 5km
- Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc nằm tại phường Cự Khối, Long Biên, Hà Nội
- Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng nằm ở phường Hàm Rồng, Thanh Hóa
- Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức thuộc xã Đồng Quế, Sông Lô, Vĩnh Phúc
- Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Quang nằm tại số 13, đường Linh Trung, Thủ Đức…
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một trong những phái thiền riêng biệt của Việt Nam, mặc dù trải qua bao nhiêu năm thăng trầm thế sự, phái thiền Trúc Lâm vẫn không ngừng phát triển, mở rộng. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về sự hình thành cũng như quá trình phát triển của phái thiền này.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: