Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác – Thiền viện lớn nhất Tiền Giang
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tọa lạc tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được mệnh danh là một trong những thiền viện lớn nhất tại Việt Nam, có tổng diện tích lên đến 50 ha. Đây cũng là thiền viện lớn nhất cả nước, thu hút đông đảo Phật tử từ khắp các tỉnh thành về quy tụ. Nét kiến trúc độc đáo, vừa cổ kính trang nghiêm lại vừa hiện đại độc đáo là nét riêng, tạo nên sức hút của thiền viện này.
Vị trí địa lý, lịch sử hình thành
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác nằm tọa lạc tại ấp 1 xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Để đến được với Thiền viện này, từ trung tâm tỉnh Tiền Giang, bạn di chuyển theo hướng từ ngã ba Trung Lương Quốc Lộ 1A theo hướng Tây 6km để đến Long Định. Sau đó lại di chuyển tiếp đến thị trấn Mỹ Phước thuộc huyện Tân Phước. Tiếp đó, di chuyển thêm 10km nữa là sẽ đến được thiền viện, trên đường luôn có các bảng chỉ dẫn, rất thuận tiện cho việc di chuyển.
Được biết, Thiền viện này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chấp thuận, cấp phép xây dựng vào năm 2012. Thiền viện có lối kiến trúc tương đối giống với Thiền Viện Trúc Lâm tại Đà Lạt, đều thuộc mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay, trụ trì của Thiền viện là Thượng tọa Thích Thông Phương, là đệ tử của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, cũng là người có công khôi phục Thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ khi khánh thành đến nay, đây là trung tâm tu học của các tăng, ni, tu sĩ đồng thời cũng là điểm nhấn quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo huyện Tân Phước, trở thành một địa điểm tâm linh hấp dẫn, thu hút khách tham quan du lịch lẫn các Phật tử.
Cấu trúc – kiến trúc của thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác nổi tiếng là một trong những thiền viện có quy mô lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại. Ban đầu, thiền viện được xây dựng với diện tích 30 hecta, sau được Phật tử và người dân hiến tặng thêm 20 hecta nữa nên hiện có tổng diện tích là 50 hecta với kiến trúc 4 thánh tích Phật Giáo.
Các công trình kiến trúc chính
Theo Đại đức Thích Trúc Thông Kim (Phó ban thường trực phụ trách xây dựng), Thiền viện được thiết kế gần giống với Thiền Viện Trúc Lâm tại Đà Lạt nhưng có quy mô lớn hơn. Đặc biệt, Thiền viện được tạo nên bởi công sức của các vị Phật tử, xung quanh có hệ thống đê bao quanh giúp ngăn được nước lũ dâng trong vài chục năm tới.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được quy hoạch với 2 khu vực riêng biệt là nội viện và ngoại viện. Tại khu vực nội viện sẽ bao gồm có 4 tăng đường, 1 thiền đường cùng 10 thất chuyên tu, có tổng diện tích gần 16.000 mét vuông.
Trong khi đó, khu vực ngoại viện tập trung rất nhiều hạng mục như chánh điện, thiền đường, tổ đường, giảng đường, trai đường, nhà tăng ngoại viện, thư viện, lầu chuông, nhà trưng bày, lầu trống, nhà khách cho cư sĩ nam, nhà khách cho cư sĩ nữ… Tổng diện tích của khu vực ngoại viện lên đến 47.000 mét vuông.
Thiền viện có các hạng mục xây dựng lớn hơn so với Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam ở Cần Thơ và Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc ở Phú Quốc. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác nổi bật với nét kiến trúc kế thừa lối kiến trúc thuần việc truyền thống thời Lý Trần. Có tính chất kế thừa, phát triển hệ phái được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập nên.
Khám phá kiến trúc Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác
Khi đến Thiền viện, trước tiên chúng ta sẽ đi qua cổng tam quan được xây dựng bằng bê tông cốt thép với một lối đi chính giữa và hai lối đi nhỏ hai bên. Tổng thể là các công trình xây dựng theo kiểu dáng mái cao, bốn góc tỉa về bốn hướng, mái lợp ngói vây cá màu đỏ, phía trên có hoa văn lưỡng chầu chầu bánh xe Pháp Luân.
Từ cổng tam quan đi thẳng vào trong là khuôn viên rộng, hai bên là hồ nước, xung quanh là các cây cổ thụ lớn, đi thẳng vào là tháp trống và tháp chuông. Tiếp tục đi thẳng vào trong là chính điện, gọi là Đại Hùng Bửu Điện, có thể chứa đến 3.000 người cùng hành lễ. Chánh điện có các cột chèo, kèo, xà nang được làm từ gỗ lim và các loại gỗ lớn.
Chánh điện của Thiền viện được chia thành nhiều gian để thờ Phật, Bồ Tát và các Đức Thánh Hiền. Điểm khác biệt của Thiền viện là các câu đối, phù điêu được thể hiện theo chủ đề và đều sử dụng chữ Việt thay cho chữ Hán, khác với các kiến trúc đình, chùa trước kia. Các hoa văn họa tiết, đặc biệt là hình tượng rồng phụng uốn lượn được chạm trổ tinh tế, bắt mắt.
Chánh điện của Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác có thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn, hai bên là Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát. Trong đó, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là tượng Niêm hoa vi tiếu. tái hiện lại giai thoại Đức Phật Thích Ca niêm hoa (cầm hoa lên khai thị) và tôn giả Ca Diếp vi tiếu (mỉm cười).
Trong một hôm nọ, tại núi Linh Thứu, Đức Thích Ca Mâu Ni không tuyên thuyết pháp như thường mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Mọi người đều không hiểu ý Ngài, chỉ có đại trưởng lão Ma Ha Ca Diếp là mỉm cười hiểu ý.
Theo cuốn Thiên Thánh quảng đăng lục “… Như Lai thuyết pháp tại Linh Sơn. Chư thiên dâng hoa. Thế Tôn cầm hoa lên. Ca Diếp mỉm cười. Thế tôn bảo với mọi người: “Ta có chính pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, giao cho Maha Ca Diếp”.
Ngoài ra, điện còn thờ nhiều vị Phật, Bồ Tát và có thờ tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Trúc Lâm tam tổ ở bên phải của chánh điện. Thiền viện có điện Phật Hoàng, bốn Thánh Tích và có Tháp Đại Giác với chiều cao 31m. Tháp Đại Giác được đánh giá là hạng mục nổi bật vì mang phong cách kiến trúc kết hợp giữa phong cách Việt – Khmer – Thái – Ấn và có pha lẫn chút nét phương Tây.
Thiền viện tại vùng sông nước hữu tình
Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác hấp dẫn với phong cách kiến trúc độc đáo của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Toàn bộ khuôn viên của thiền viện được trồng vô vàn cây đại thụ tạo cảm giác yên bình, đặc biệt gần gũi với thiên nhiên.
Một điểm độc đáo mà không thiền viện nào có được, chính là bao quanh thiền viện là sông nước hữu tình với đặc sản mùa nước nổi của vùng sông nước miền Tây. Được xây dựng tại miền Tây sông nước, xung quanh thiền viện được xây dựng hệ thống đê bao quanh giúp ngăn nước lũ dâng lên vào mỗi mùa nước nổi.
Do toàn bộ diện tích xây dựng có độ cao thấp hơn mặt đường từ 2.5 – 3 mét, nên việc đầu tiên khi xây dựng là phải đắp đê bao quanh để ngăn nước. Bốn đoạn đê bao quanh có tổng chiều dài 2.200m, được đắp bởi 109.890 mét khối đất. Lượng cát để tạo mặt bằng xây dựng cũng lên đến 100.000 mét khối.
Thiền viện được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống nên mang nét đẹp cổ kính, trang nghiêm. Sự kết hợp giữa nét đẹp cổ kính cùng các đường nét hiện đại độc đáo là điểm nhấn gây thương nhớ với du khách hành hương cùng các Phật tử đến đây. Thiền viện được công nhận là công trình kiến trúc Phật giáo có lối kiến trúc độc nhất vô nhị tại vùng sông nước miền Tây. Đây cũng là Thiền viện lớn nhất tỉnh Tiền Giang, là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều Phật tử.
Điểm nhấn của thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác
Điểm độc đáo nhất của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác không thể không nói đến chính là 4 Thánh Tích, được gọi là Tứ động tâm. Thiền viện xây dựng với kích cỡ 6/10 các thánh tích nguyên mẫu từ hai quốc gia đứng đầu trong Phật Giáo, được xem là cái nôi của đạo Phật là Ấn Độ và Nepal.
Bốn thánh tích đặc biệt ngày bao gồm:
- Vườn Lâm Tì Ni: Vườn Ngự uyển Lâm Tỳ Ni xưa kia là khu vực xinh đẹp của Ca Tỳ La Vệ, là một trong bốn thánh tích quan trọng của Phật giáo. Đây là nơi đản sinh của Đức Phật Thích Ca, có thể mang đến nguồn năng lượng an lành cho chúng sinh.
- Bồ Đề Đạo Tràng: Trong tiếng Phạn là Bodh Gaya hay Bodhgaya, là địa điểm nổi tiếng, nơi mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề. Trong lịch sử, Bồ Đề Đạo Tràng thuộc Ma Kiệt Đà (Magadha), Giác Thành thuộc quận Gaya, Bihar Ấn Độ.
- Lộc Uyển: Vườn Lộc Uyển là nơi chuyển pháp luân xứ Ba la Nại (Benares), đây là nơi Đức Phật thuyết giảng Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như, giúp họ giác ngộ, là cột mốc đánh dấu để đạo Phật được truyền bá rộng rãi. Vườn Lộc Uyển nằm giữa sông Hằng và sông Porona, thuộc miền Đông Bắc Ấn Độ.
- Câu Thi Ni: Câu Thi Na (Kushinagar) thuộc Cộng hòa Malla, tức bang Bihar ngày nay. Đây là nơi mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Vô Dư Niết Bàn.
Không chỉ hiến đất, các Phật tử còn hiến cúng cho Thiền viện nhiều cây đại thụ và khối lượng đá tảng lên đến 2.500 tấn. Ngoài ra, Phật tử còn hiến cúng cho Thiền viện một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 4.5m được tạc bằng đá ngọc, thếp vàng, trọng lượng 30 tấn, được chế tác bởi các nghệ nhân Myanmar. Tượng đã được an vị trong chánh điện của Thiền viện vào ngày 20/10/2013.
Đến với Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác, Phật tử không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo mà còn có thể tham gia nhiều hoạt động tôn giáo. Hiện nay, vào ngày Chủ nhật thứ ba mỗi tháng, Thiền viện sẽ tổ chức sinh hoạt đạo tràng. Ngày sinh hoạt này gồm nhiều hoạt động như tụng kinh, ngồi thiền, sám hối, nghe giảng pháp, thu hút sự tham gia của đông đảo Phật tử gần xa.
Thêm vào đó, cứ định kỳ 2 tháng/lần, Thiền viện cũng sẽ tổ chức lễ truyền tam quy và ngũ giới cho Phật tử. Các công trình xây dựng của Thiền viện đã cơ bản hoàn thành, Thiền viện thường xuyên tiếp đón khách thập phương từ khắp nơi đến tham quan và chiêm bái.
Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác không chỉ là trung tâm tu học của Phật Tử mà còn là điểm nhấn thu hút khách du lịch của Tiền Giang. Ghé thăm Thiền Viện, chúng ta không chỉ cảm nhận được tấm lòng kính ngưỡng Đức Phật mà còn có thể thưởng ngoạn kiến trúc đẹp đẽ của chùa, thưởng ngoạn cảnh đẹp của miền Tây sông nước hữu tình.
Có thể bạn quan tâm: