Ông Bổn là ai? Sự tích và tín ngưỡng thờ Ông Bổn
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Ông Bổn mang ý nghĩa là “bổn xứ” của cộng đồng người Hoa. Có nhiều sự tích về Ông Bổn, mỗi sự tích gắn liền với một câu chuyện khác nhau, nhưng thông qua đó đều làm nổi bật được văn hoá tâm linh tín ngưỡng truyền thống. Hiện tại, Ông Bổn được thờ cúng rộng rãi ở nhiều nơi như TPHCM, Bình Dương, Hội An.
Ông Bổn là ai? Sự tích về Ông Bổn
Ông Bổn là một hình tượng được người Hoa tại Việt Nam tôn kính và thờ cúng. Ông được xem là Ông Tổ của dòng họ hoặc tộc người, bởi “Bổn” có thể được hiểu là nguồn cội, gốc rễ. Ông được ví như “thần hộ mệnh”, giúp bảo vệ, đem đến sự an lành, bình yên, thịnh vượng cho cộng đồng.

Tuỳ thuộc vào từng tộc người Hoa ở mỗi vùng mà hình tượng Ông Bổn sẽ được định nghĩa khác nhau, không cố định một nhân vật cụ thể. Đại đa phần đều quan niệm Ông Bổn là Phước Đức Chánh Thần.
Số ít còn lại như người Hoa có gốc từ Hải Nam, Triều Châu ở vùng Tây Nam Bộ cho rằng Ông Bổn là Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hoà sống vào đời nhà Minh. Người Hoa gốc Triều Châu tại Hội An thì Ông Bổn là Phục Ba Tướng Quân Mã Viện. Tín ngưỡng của người Hoa cư trú ở Chợ Lớn TPHCM (gốc tỉnh Phúc Kiến) là Ông Bổn là một vị quan đời Nguyên lập nhiều công trạng trong bảo vệ đất đai – con người, tên là Châu Đạt Quan. Người Hoa cũng gốc tỉnh Phúc Kiến, nhưng mang họ Vương và đang ở Bình Dương thì trong lòng của họ Ông Bổn là Huyền Thiên Thượng Đế, một vị thần được tạo thành từ phân thân của Thượng Đế, gọi là Chân Vũ hoặc Chơn Võ. Đối với người Hoa họ Lý gốc Triều Châu, cũng ở Bình Dương thì Ông Bổn là Ông Tổ Họ Lý. Người Hoa gốc Quảng Đông tại Chợ Lớn, Ông Bổn là Thần Thổ Địa.
Tín ngưỡng thờ cúng Ông Bổn tại Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cúng Ông Bổn là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam và mang nhiều ý nghĩa. Trong tín ngưỡng thờ cúng, có một phần không thể thiếu là lễ hội và được tổ chức đều đặn mỗi năm tại nhiều nơi khác nhau với nghi thức trang trọng, trang nghiêm và có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.
1. Ý nghĩa tín ngưỡng thờ Ông Bổn
Tín ngưỡng thờ Ông Bổn của người Hoa đã có từ rất lâu. Đây là một phần trong văn hoá tín ngưỡng cộng đồng, mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn và thể hiện tấm lòng biết ơn, mong muốn được tri ân những vị thánh nhân đã có công khai thiên lập địa, phù trợ họ an cư lạc nghiệp.
Bên cạnh đó là làm nổi bật sự kết nối và giao thoa văn hoá truyền thống tín ngưỡng giữa Việt Nam – Trung Quốc. Mỗi năm, có rất nhiều nghi lễ, lễ hội Ông Bổn được tổ chức, vừa giúp gắn kết cộng đồng người Hoa, vừa quảng bá những nét đẹp trong bản sắc văn hoá tín ngưỡng đến cộng đồng khác trên khắp cả nước và du khách nước ngoài.

Ông Bổn được thờ trong miếu, chùa riêng hoặc thờ cúng chung với những vị Phật, Thần khác như Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam Triều Đại Đế, Trương Thiên Sư, Cảnh Chủ Tôn Vương, Na Tra Thái Tử, Bao Công, Cửu Thiên Huyền Nữ, Linh Từ Tôn Vương,…
Những nơi thờ Ông Bổn nổi tiếng có thể kể đến là Miếu Ông Bổn – Phước An Miếu (Thủ Dầu Một, Bình Dương), Miếu Ông Bổn – Phước Đức Cổ Miếu (Bạc Liêu), Chùa Ông Bổn – Miếu Nhị Phủ/Hội Quán Nhị Phủ (Quận 5, TPHCM), Thanh Minh Cung/Thanh Minh Cổ Miếu (Vĩnh Châu, Sóc Trăng),…
2. Lễ hội cúng Ông Bổn
Trong năm, cộng đồng người Hoa những các vùng khác nhau sẽ tổ chức Lễ hội cúng Ông Bổn định kỳ theo nhiều hình thức, thời gian khác nhau và địa điểm diễn ra lễ hội có thể cố định hoặc luân phiên ở các miếu, chùa.
Lễ hội cúng Ông Bổn tại Bình Dương
Tại Bình Dương, Lễ hội cúng Ông Bổn hay Lễ hội miếu Ông Bổn sẽ có tổng cộng hai kỳ cúng. Lần thứ nhất là ngày 2/1 âm lịch (mùa xuân), lần thứ hai là 4/7 âm lịch (mùa thu). Tuy nhiên, cũng có tài liệu ghi chép là tổ chức trong 2 ngày là 16/1 âm lịch – 17/1 âm lịch.
Trong lễ hội sẽ có nhiều hoạt động thể hiện những nét đặc sắc trong văn hoá dân gian và tâm linh tín ngưỡng người Hoa. Đây là niềm tự hào của người Hoa và thông qua lễ hội, những điều này đã được truyền tải rộng rãi đến gần hơn với du khách thập phương, góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh nhà.
Lễ hội miếu Ông Bổn tại Bình Dương được thực hiện với các nghi thức đơn giản. Bao gồm phần cúng tế theo Đạo giáo được đảm trách bởi những thầy pháp, lễ rước kiệu tưng bừng và náo nhiệt với quảng đường dài hàng chục cây số ở xung quanh khu vực sinh sống của người Hoa, biểu diễn văn nghệ với nhiều tiết mục hấp dẫn (múa cù, múa hẩu, múa lân sư rồng, hát Hồ Quảng,…).

Lễ hội Ông Bổn tại Chợ Lớn – Quận 5, TPHCM
Trong năm, người Hoa ở khu vực Chợ Lớn – Quận 5, TPHCM sẽ tổ chức hai ngày lễ hội lớn là 15/1 và 15/8, đây là ngày sinh – ngày hoá Ông Bổn. Lễ hội với nhiều hoạt động văn hoá tâm linh truyền thống đa dạng được chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng, thể hiện sự tôn kính và lòng thành của cộng đồng dành cho Ông Bổn, song hành theo đó là niềm tự hào.
Các hoạt động nổi bật có thể kể đến như nghi thức cầu nguyện, múa rồng, hát tuồng,… Bầu không khí của lễ hội vừa linh thiêng và tôn vinh được giá trị truyền thống lâu đời của người Hoa, vừa hân hoan, sôi động, náo nhiệt và giàu cảm xúc. Đặc biệt là màn biểu diễn múa rồng mãn nhãn với thông điệp gửi gắm may mắn và sự thịnh vượng đến tất cả những người tham gia lễ hội.
Lễ hội cúng Ông Bổn tại Cầu Kè, Trà Vinh
Lỗi hội cúng Ông Bổn tại Cầu Kè, Trà Vinh còn được gọi với tên khác là Vu Lan Thắng Hội. Lễ hội diễn ra trong bốn ngày, từ 25/7 đến 28/7 âm lịch và tổ chức tại Vạn Niên Phong Cung.
Lễ hội có tổng cộng 20 lễ thức liên hoàn. Ngày 25/7 âm lịch có 8 lễ thức là thỉnh chư Phật – chư Thần Thánh, thỉnh kính – đánh động, hương tác, trình tổ khai chung, khai quang, khai kinh, xá hạc, cầu quốc thai dân an. Ngày 26/7 âm lịch diễn ra 5 lễ thức là thuyết khoa nghinh cô hồn, thỉnh thùng bổn mạng, tế Tiên hiền – Hậu hiền, cầu siêu, giương phan. Ngày 27/7 âm lịch gồm 2 lễ là cúng ngọ, cầu siêu xà mã. Ngày 28/7 âm lịch có 4 lễ thức là bái xám – hoàn kinh – xá hạc, thỉnh tượng ngoại đàn, phóng đăng – phóng sinh, chiêu u cô hồn – đăng đàn thí thực.
Có thể nói, lễ hội cúng Ông Bổn nói riêng và tín ngưỡng thờ Ông Bổn nói chung tại Cầu Kè, Trà Vinh đặc biệt hơn những nơi khác bởi vì có sự giao lưu và tiếp biến giữa những sắc thái tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau (Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ cúng Neakta,…). Điều này đã tạo nên bức tranh văn hoá tâm linh tín ngưỡng hài hoà, đồng thời giúp củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc của tỉnh nhà, cụ thể là Kinh – Khmer – Hoa.

Lễ vía Ông Bổn tại Sóc Trăng
Lễ vía Ông Bổn của người Hoa gốc Tiều Châu tại Sóc Trăng diễn ra vào ngày 24/2 âm lịch hằng năm. Lễ hội này được tổ chức với quy mô lớn. Hoạt động mở màn là thi lễ – đội lân sư rồng tiến vào chánh điện để thắp nhang cho Bà Thiên Hậu cùng các thần, cầu xin được phù hộ thuận lợi, suôn sẻ trong công việc, sau đó quay trở ra và bắt đầu đánh trống để bầu không khí trở nên sôi động.
Lễ cúng chính được chủ trì bởi các thầy cúng hoặc thầy pháp với nghi thức trình báo, tiếp theo là dùng kiệu thỉnh Thần và tướng binh của Thần đi một vòng từ Miếu Thiên Hậu đến khu dân cư và đi qua chợ, cuối cùng là về Thanh Minh Cung. Lễ cúng này thu hút đông đảo người xem, không chỉ người Hoa mà còn có người Kinh, Khmer bởi có yếu tố kỳ bí – Ông Bổn nhập xác về và thực hiện xiên lình, đi trên lưỡi dao, rạch lưỡi,…
Trong suốt thời gian diễn ra Lễ vía Ông Bổn, buổi sáng sẽ cúng lễ vật chay (trái cây, bánh kẹo, tàu hũ ki,…), buồi chiều là món mặn (một con heo). Ngoài sự chuẩn bị của ban tổ chức, bá tánh cũng dâng thêm nhiều lễ vật như bánh pía, bánh bông lan, cam, quýt, xoài,… và phần lễ vật này sẽ được gửi lại các gia đình sau khi lễ tất vào sáng hôm sau để nhận lại phước lộc và may mắn từ thần linh.
Giống những lễ hội cúng Ông Bổn ở những tỉnh/thành phố khác, lễ hội tại Sóc Trăng cũng có những tiết mục đặc sắc như chương trình ca nhạc tiếng Tiều kết hợp với nhiều nhạc cụ khác nhau (đàn tam thập lục, sáo, chập choã, đàn gáo, kèn,…); hội thi viết chữ thư pháp tiếng Hán,…
Kết lại, Ông Bổn có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh tín ngưỡng của người Hoa. Thờ cúng Ông Bổn và Lễ hội vía Ông Bổn trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng và mang ý nghĩa sâu sắc nên được gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay.