Bát Chánh Đạo: 8 con đường chân chính chấm dứt khổ đau
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Bát Chánh Đạo hay Bát Chính đạo là con đường chân chính chia làm tám chi, một trong những giáo lý căn bản được nhắc đến trong Đạo Đế thuộc Tứ Diệu Đế. Bát Chánh Đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trong trong giáo lý nhà Phật, được Đức Phật chỉ dạy nhằm giúp con người thoát khỏi sự ham muốn và khổ hạnh.
Hiểu như thế nào về Bát Chánh Đạo?
Bát Chánh Đạo còn được gọi là Bát Thánh Đạo hay Bát Chính Đạo. Đây là một trong những giáo lý căn bản của Phật giáo, là nội dung căn bản trong Đạo Đế, một trong Tứ Diệu Đế, gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Cũng là phương tiện hành trì phổ biến sâu rộng cho Ngũ thừa Phật giáo.
Bát Chánh Đạo được hiểu là con đường chân chính có tám chi, chia làm 3 yếu tố là đạo đức, tinh thần và trí tuệ. Là tám phương tiện vi diệu giúp chúng sinh hướng đến đời sống cao thượng, hạnh phúc, an lạc, giải thoát, việc nương theo tám phương tiện này có thể đạt được thành tựu giác ngộ, đi đến Niết Bàn, Phật quả.
Bát Chánh Đạo là con đường cứu giúp chân chính giúp chúng sinh thoát khỏi luân hồi, chấm dứt mọi khổ đau. Các chi trong Bát Chánh Đạo lần lượt là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tám chi này không thực hiện theo thứ tự mà được thực hiện cùng lúc, bổ trợ lẫn nhau. Bát Chánh Đạo được biểu tượng bằng bánh xe chánh pháp có tám nan hoa.
Bát Chánh Đạo là bài giảng đầu tiên sau khi Đức Phật thành đạo. Ngài đã long trọng thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như, cũng là 5 người bạn đồng tu với Ngài tại vườn Lộc Uyển. Pháp môn này là con đường đưa hành giả đến chỗ an vui tịch tĩnh, tránh xa hai thái độ là sống cực đoan giữa đau khổ (khổ hạnh) và khoái lạc (hạnh phúc).
Tám con đường Bát Chánh Đạo
Bát Chánh đạo là con đường có tám chi giúp đưa chúng sinh hướng đến đời sống cao thượng, an lạc, giải thoát. Là phương tiện vi diệu mà các bậc Hiền, Thánh nương theo để đi đến Niết Bàn, Giải Thoát, đạt được thành tựu Phật quả. Tám Chi trong Bát Chánh Đạo bao gồm:
1. Chánh Kiến – Chi đầu tiên trong tám chi Bát Chánh
Chánh Kiến nghĩa là sự nhận thức đúng đắn, sáng suốt, thông tuệ, hợp lý trên nền tảng căn bản của trí tuệ (Chánh là ngay thẳng, đúng đắn; Kiến là thấy, biết). Chánh kiến là chi đầu tiên trong Bát Chánh Đạo, thuộc phần tuệ học của ba vô lậu. Được xem là con đường quan trọng, cốt lõi của quá trình tu tập, thông qua Chánh Kiến, hành giả sẽ hiểu tường tận về Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế.
Chánh Kiến là những hiểu biết đúng đắn, tường tận về những điều mà bản thân đã trải nghiệm. Để có được chánh kiến thì cần:
- Hiểu biết rằng vạn pháp đều do nhân duyên sanh, không có gì tồn tại vĩnh viễn, độc lập
- Hiểu rõ và tin vào nhân quả – nghiệp báo là quy luật nhân duyên của vũ trụ, từ đó điều chỉnh thái độ, hành vi, lối sống
- Nhận thức rõ giá trị của thân người và vạn vật xung quanh
- Nhận thức rõ Khổ – Vô Thường – Vô Ngã và Tứ Đế (khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế), trong đó, Tứ Đế là chỉ dẫn để chúng sinh giải thoát khổ đau
- Thập nhị nhân duyên là mười hai nhân duyên liên tục sinh ra nhau gồm: Vô minh, hành, thức, danh, sắc, sáu xứ, sáu căn, xúc, cảm, dục, ái, hữu, sanh, có thể đoạn trừ bằng chánh kiến.
Chánh Kiến giúp chúng ta có cái nhìn sáng suốt, hợp lý về cuộc sống, từ đó có được tâm trí thanh tịnh, được an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống và tiến gần hơn đến Niết bàn.
2. Chánh Tư Duy – Chi thứ hai trong Bát Chánh Đạo
Chánh tư duy còn được gọi là chánh phân biệt, chánh chí, chánh giác hay đế niệm. Đây là chi thứ hai trong tám chi của Bát chánh đạo, nghĩa là có suy nghĩ chân chánh, không trái lẽ phải, có lợi cho mình và lợi cho người. Chánh tư duy giúp con người thoát khỏi tham, sân, hại hay hung bạo, là tư tưởng thoát khỏi sân hận, muốn tổn thương, làm hại đến người khác.
Chánh tư duy chính là năng lực tâm trí giúp phân biệt thiện ác, tốt xấu, từ đó có thể hướng đến những điều tốt đẹp, tránh xa những điều xấu xa. Để có được Chánh tư duy thì cần hiểu rõ:
- Nguyên nhân đau khổ đều là do tham – sân – si, vô minh là nguồn gốc của mọi tội lỗi
- Ba yếu tố căn bản để tiến đến quả vị Niết Bàn là Giới – Định – Tuệ
- Danh vọng, tài sắc, lợi dưỡng là những điều không thường trú, sẽ không thể mang lại hạnh phúc thật sự
- Tà thuật, trả thù, mê hoặc là những hành vi ngu ngốc, độc ác tuyệt đối không nên phạm phải
3. Chánh Ngữ – chi thứ ba trong Bát Chánh Đạo
Chánh ngữ là những lời nói chân thật, công bình, ngay thẳng, hợp lý, mang đến lợi ích chính đáng, không làm tổn hại đến đời sống, danh dự của người khác. Chánh ngữ chỉ sinh ra khi chúng ta biết giữ giới, giữ giới trong chánh ngữ là khả năng kiểm soát lời nói, kiểm soát miệng của bản thân.
Có 4 loại tà ngữ mà chúng ta tuyệt đối không nên phạm là nói dối, nói lời nói dữ (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời đâm thọc và nói lời vô ích. Chánh ngữ được xem là biểu hiện của tâm trí trong giao tiếp với người và vạn vật.
Để có được chánh ngữ, chúng ta cần giữ giới, nói lời nói thật về các vấn đề như:
- Lời nói ngay thẳng, giản dị, hòa nhã, sáng suốt, thành thật, không thiên vị
- Lời nói đồng nhất, khuyến tu, nói lợi ích, có tính chất tuyên dương đạo lý làm người, chánh pháp
- Không nói lời sai lệch, biến tướng, xuyên tạc giáo lý Phật giáo, luật nhân quả – nghiệp báo, lời phỉ báng, chia rẽ, lời trống rỗng, vô ích, gây phiền não, khổ đau.
Chánh ngữ giúp chúng ta giao tiếp hòa thuận, có tâm trí thư thái, bình thản, tạo dựng được lòng tin trong cuộc sống. Đồng thời, chánh ngữ cũng là phương tiện giúp truyền bá Phật pháp.
4. Chánh Nghiệp – Chi thứ tư trong Bát Chánh Đạo
Chánh nghiệp còn gọi là đế hành, chánh hành, nghĩa là hành động tạo tác trong đời sống cần phải phù hợp, sáng suốt. Tức chỉ thân, khẩu, ý, ba nghiệp thanh tịnh, luôn xa lìa mọi thứ tà vọng, biết tiết chế, quản thúc, giữ gìn bản thân tránh xa những hành vi như sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Làm được những việc này tức là chúng ta đã kiểm soát được chính mình.
Chánh nghiệp là chỉ những cử chỉ, hành vi, việc làm thiện lành, có ích cho chính mình và xã hội, không gây ra sự tổn thương, khổ đau cho sinh linh. Để có được chánh nghiệp thì cần hiểu rằng:
- Sát sanh là hành vi giết hại, làm tổn thương sinh linh, nên tôn trọng sinh mạng và sự sống của mọi loài
- Trộm cắp là hành vi chiếm đoạt, lấy đi của cải của người khác
- Tà dâm là hành vi lạm dụng tình dục, xâm phạm người khác, nên kiềm chế ham muốn, sống trong sạch
- Ăn thịt, giết mổ là hành vi tổn hại đến loài vật, nên ăn chay, chuyển nghề có ích cho xã hội
- Uống rượu hay thức uống có cồn, chất kích thích khiến tâm trí mờ mịt, kém tỉnh táo
Hành động chân chính trong Chánh Nghiệp là những hành động thận trọng theo lẽ phải, không tổn hại đến người khác. Là những hành động có lương tâm, đạo đức, biết tôn trọng quyền sống chung của mọi người, mọi loài, đem lợi lạc lợi cho quần sanh. Chánh nghiệp sẽ giúp chúng ta có một đời sống đạo đức, thiện lành, có được tâm trí anh nhiên, tự tại.
5. Chánh Mạng – chi thứ năm trong Bát Chánh Đạo
Chánh mạng còn gọi là chánh mạng đạo chi, đế thọ, là cách sống của hành giả (mạng là sự sống, đời sống). Nghĩa là hành giả cần sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện, không xâm hại, ảnh hưởng đến lợi ích, đời sống của người khác.
Chánh mạng là sống bằng khả năng của chính mình, không dối gạt người khác, sống đúng chánh pháp, làm tổn hại, não loạn tâm trí người khác, không chạy theo mê tín dị đoan, không dùng miệng lưỡi, mối lái lừa gạt người khác. Để có được chánh nghiệp, nên lựa chọn các nghề nghiệp về các lĩnh vực như y tế, giao dục, nông nghiệp, thương mại, văn hóa, chính trị, quân sự…
Dù làm nghề nghiệp nào thì cũng cần tận tâm, minh bạch, công bằng và trung thực, không làm tổn hại đến sinh linh, mạng sống của con người và con vật. Chánh mạng sẽ giúp chúng ta tích lũy công đức, có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, giữ được tâm trí thanh thản, nhẹ nhàng.
6. Chánh Tinh Tấn – Chi thứ sáu trong Bát Chánh Đạo
Chánh tinh tấn còn gọi là chánh trị, chánh phương tiện, chánh pháp, nghĩa là siêng năng, chuyên cần chân chánh để tiến thẳng đến mục tiêu và lý tưởng mà Phật dạy. Nỗ lực siêng năng tinh cần là điều mà hành giả cần phải cố gắng để thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý. Chánh tinh tấn là phương tiện giúp chúng ta phát huy tiềm lực của tâm trí, có được trí tuệ minh mẫn, dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách.
Một người chuyên cần chân chánh là phải quyết tâm loại bỏ những việc ác đã sanh, quyết tâm ngăn ngừa những việc ác chưa sanh. Nỗ lực trau dồi phước đức, trí tuệ, chuyên làm các việc lành tốt. Không say sưa với khoái lạc, ngũ dục, làm tổn hại đến bản thân và người khác.
Chánh tinh tấn là năng lực vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường tu tập, giải thoát, không rơi vào lười biếng, sa ngã vì những điều vô ích. Để có được chánh tinh tấn thì phải dành nhiều thời gian để tu tập thay vì giải trí; chọn địa điểm yên tĩnh, thoáng mát để tập trung; chọn phương pháp và đối tượng phù hợp để tu tập. Và đặc biệt là phải biết đặt mục tiêu phù hợp để có thể tiến bộ mỗi ngày.
7. Chánh Niệm – Chi thứ bảy trong Bát Chánh Đạo
Chánh niệm còn gọi là đế ý, nghĩa là những ghi nhớ, nhớ nghĩ chân chính, được chia làm chánh ức niệm và chánh quán niệm. Trong đó, ức niệm là nhớ nghĩ về quá khứ, những chuyện đã qua, còn quán niệm là quan sát hiện tại và dự tính tương lai.
Với ức chánh niệm, ta chỉ nên nhớ đến tứ ân, đến lỗi lầm xưa và không để tái phạm trong hiện tại cũng như tương lai. Với quán chánh niệm, ta quán niệm từ bi, thấy nỗi khổ của chúng sinh mà sinh lòng thương xót, giúp đỡ; nỗ lực thực hành lời Phật dạy để chấm dứt mê lầm, bi ai, khổ não của mình. Đồng thời quán niệm Trí huệ về nguyên nhân sanh hóa vũ trụ, tốt xấu, cao thấp, thực tướng của các pháp.
Chánh niệm giúp chúng ta hiểu rõ bản chất của vạn pháp, có được cuộc sống tỉnh táo, sáng suốt, biết cách loại bỏ những ưu phiền, từ đó đạt được an lạc trong cuộc sống.
8. Chánh Định – Chi thứ tám trong Bát Chánh Đạo
Chánh Định còn được gọi là đế định, tức là tập trung tư tưởng tu tập thiền định, giúp hành giả xa lìa pháp dục ác bất thiện, được thành tựu bốn pháp thiền gồm sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Chánh định là những tư tưởng chính đáng, đúng chân lý, phù hợp với bản thân, lợi mình, lợi người.
Sự hiện hữu của chánh định chính là sự hiện hữu của 7 chi đã đề cập trước đó. Tám chi này theo thứ tự làm duyên cho nhau để đưa hành giả đạt đến bốn thiền định. Thiền định chân chính là bất tịnh quán, từ bi quán, nhân duyên quán, giới phân biệt quán và sổ tức quán.
Lợi ích tu tập Bát Chánh đạo
Tu tập Bát Chánh Đạo là con đường tu tập của Giới – Định – Huệ, Thân – Khẩu – Ý, cũng là phương pháp tu phổ biến cho hành giả tại gia lẫn xuất gia. Bát chánh đạo là nền tảng của chánh giác, cũng là căn bản của giải thoát – giác ngộ.
Thực hành tu tập bát chánh đạo có thể giúp một người cải thiện được hành vi của bản thân, có một đời sống chân chính, an lạc, hạnh phúc, tốt đẹp. Đồng thời cũng giúp cải tạo tâm niệm, hành vi, thay đổi hoàn cảnh của chính mình. Bát chánh đạo chính là nền tảng đầu tiên cho sự giác ngộ chân chính, giúp thân – khẩu – ý được thanh tịnh.
Thực hành chánh giác sẽ giúp cho hành giả có kiến thức vững vàng, chân chính, từ đó mà lời nói, hành vi, suy nghĩ được trong sạch, sáng suốt, không bị sa vào lỗi lầm đen tối, được người mến mộ, kính trọng. Là con đường để chúng ta tăng trưởng, nuôi dưỡng lòng từ và trí tuệ, giúp nuôi dưỡng tâm hồn trong sạch lương thiện.
Tóm lại, bát chánh đạo chính là con đường chân chính giúp con người có thể chấm dứt khổ đau, đạt được thành tựu giác ngộ giải thoát. Thực hành bát chánh đạo sẽ giúp hành giả gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong cuộc sống.
Xem thêm: Chú Đại Bi là gì? Ý nghĩa và lợi ích trì tụng Chú Đại Bi